Hàng Đào nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, phố dài khoảng 260m, kéo dài theo hướng bắc - nam, được coi là trục chính của 36 phố phường Hà Nội. Phía nam Hàng Đào tiếp giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu phố Hàng Gai, phía bắc nối phố Hàng Ngang.
Phố Hàng Đào đã có từ lâu đời. Tại Hoa Lư xưa cũng đã có phường Hàng Đào. Phố Hàng Đào tại thành Thăng Long xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê. Phố mang tên gọi Hàng Đào, bởi xưa kia, phố chuyên bán các loại vải nhuộm hồng, nhuộm đỏ cùng những màu khác ...
Xem thêm
Hàng Đào nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, phố dài khoảng 260m, kéo dài theo hướng bắc - nam, được coi là trục chính của 36 phố phường Hà Nội. Phía nam Hàng Đào tiếp giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu phố Hàng Gai, phía bắc nối phố Hàng Ngang.
Phố Hàng Đào đã có từ lâu đời. Tại Hoa Lư xưa cũng đã có phường Hàng Đào. Phố Hàng Đào tại thành Thăng Long xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê. Phố mang tên gọi Hàng Đào, bởi xưa kia, phố chuyên bán các loại vải nhuộm hồng, nhuộm đỏ cùng những màu khác xen lẫn. Về sau này nghề nhuộm màu chuyển dần sang phố Cầu Gỗ, Hàng Đào trở thành phố chuyên bán các loại hàng tấm tơ lụa, lượt, là, đũi, sa, xuyến…
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, ngoài ra trên phố hiện còn có một số nhà chuyên vẽ truyền thần.
Hàng Đào nằm ở trung tâm mua bán tấp nập, nhưng phố lại được coi là cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước chống Pháp. Ngày nay trên phố Hàng Đào còn vết tích Đình Hoa Lộc Thị ở số 90A, nguyên là ngôi đình của những người làng Đan Loan thờ vọng thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và phu nhân Phương Dung, và ông tổ nghề nhuộm vải xưa.
Từ năm 2003, UBND quận Hoàn Kiếm thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Hàng Ngang - Đồng Xuân từ 19 giờ đến 23 giờ vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một số đặc sản của Hà Nội phục vụ du khách du lịch. Tuyến phố đi bộ trên chợ đêm từ Hàng Đào đến cửa chợ Đồng Xuân đã tạo nên một nét văn hóa mới của Thủ đô, thu hút được sự quan tâm của nhân dân thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Nhận xét và đánh giá
Đăng nhập để đánh giá